Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục năm 2013

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC

TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

TP. HỒ CHÍ MINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 143/KH-TĐHTPHCM

 TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 2013

KẾ HOẠCH

Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục năm 2013

Căn cứ Công văn số 1398/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 05 tháng 03 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp năm 2013;

Căn cứ vào kế hoạch đào tạo năm học 2012-2013 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM;

Căn cứ tình hình thực tế về công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường trong thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động chuyên môn đối với việc giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục năm 2013 như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

–        Hoàn thiện hệ thống đào tạo và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trong Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM;

–        Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội;

–        Nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và quản lý trong Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

–        Đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

–        Học sinh sinh viên (HSSV) có tinh thần, thái độ nghiêm túc trong học tập, tăng cường khả năng tự học, có phương pháp học tập thích hợp để nắm vững kiến thức về chuyên ngành đào tạo và có kỹ năng nghề thành thạo;

–        Nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong công tác giảng dạy, kiểm tra đánh giá HSSV nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường.

2. Yêu cầu

–        Thực hiện nghiêm túc các Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các hệ đào tạo trong nhà trường;

–        Đảm bảo đội ngũ giảng viên đầy đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có năng lực chuyên môn, đặc biệt coi trọng phẩm chất đạo đức, lương tâm, ý thức trách nhiệm của người giảng viên;

–        Đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo cho người học về thể lực, trí lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, giao tiếp, ứng xử sư phạm để sau khi tốt nghiệp, HSSV của nhà trường đạt chuẩn năng lực nghề nghiệp đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

1. Công tác giảng dạy

–        Giảng viên thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo của Bộ GDĐT và quy chế công tác giảng viên của Trường, giảng dạy theo đúng chương trình đào tạo, có đủ đề cương chi tiết học phần cho từng môn học;

–        Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực học tập của người học. Giảng viên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin cho bài giảng trên lớp;

–        Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng thí nghiệm, phòng thực hành bộ môn phù hợp với nội dung của chương trình giáo dục. Có đủ sách giáo trình, tài liệu tham khảo, thường xuyên cập nhật thông tin để phục vụ việc dạy và học;

–        Quản lý công tác dạy và học trong nhà trường:

  • Duy trì nề nếp chuyên môn, lên lớp đúng giờ, giảng viên giảng dạy đủ số tiết theo nội dung chương trình quy định;
  • Phân công chuyên môn phải đảm bảo hợp lý, cân đối, khoa học, phù hợp với trình độ và năng lực giảng dạy của giảng viên;
  • Đối chiếu bài giảng với thời khóa biểu, lịch trình giảng dạy của giảng viên;
  • Định kỳ kiểm tra hồ sơ chuyên môn (Đề cương, giáo án, kế hoạch giảng dạy, sổ ghi biên bản họp, sổ đầu bài…);
  • Tiến hành thanh tra chuyên môn, thường xuyên kiểm tra việc lên lớp hàng ngày của giảng viên, theo dõi tình hình học tập của HSSV;

–        Đối với HSSV cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên cần trong học tập, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện đạo đức, thực hiện nghiêm túc quy chế thi trong các kỳ thi.

2. Công tác nghiên cứu khoa học

–        Đánh giá tiềm lực và chất lượng NCKH trong Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM;

–        Thực hiện các đề tài, dự án NCKH cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước đúng tiến độ, các đề tài dự án phải có khả năng ứng dụng trong sản xuất, trong công tác quản lý và giảng dạy của nhà trường; kết quả các đề tài được nghiệm thu đạt loại khá trở lên;

–        Nghiên cứu khoa học và công nghệ để phục vụ xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học;

–        Viết bài báo hoặc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành, các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các kỷ yếu Hội thảo khoa học;

–        Tham giá các cuộc thi sáng tạo và các hoạt động khác về khoa học và công nghệ.

3. Sinh hoạt chuyên môn

–        Học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuẩn đã được đào tạo theo quy định đối với giảng viên, phù hợp với ngành đào tạo và trình độ đào tạo được phân công đảm nhiệm;

–        Học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ và tin học;

–        Tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở khoa và bộ môn. Giảng viên phải tham gia nghiên cứu khoa học, viết các báo cáo chuyên đề NCKH;

–        Đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thành thạo trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy;

–        Bồi dưỡng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho giảng viên theo các chương trình quy định cho từng đối tượng;

–        Tổ chức sinh hoạt chuyên môn bằng nhiều hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn phù hợp với đặc thù của chuyên ngành, mang tính học thuật và đảm bảo hiệu quả, góp phần bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên;

–        Xây dựng ngân hàng đề thi:

  • Căn cứ vào số tín chỉ của môn học, các bộ môn xây dựng ngân hàng đề thi cho phù hợp. Các đề thi phải có đáp án và hướng dẫn chấm điểm kèm theo;
  • Mỗi giảng viên xây dựng ngân hàng đề thi cho môn học mình giảng dạy, Trưởng bộ môn phân công các giảng viên ra đề thi cho mỗi môn học. Việc giới thiệu đề thi phải được thực hiện nghiêm túc, có sự tham gia của tất cả các giảng viên trong bộ môn và thực hiện theo đúng quy trình.

4. Công tác kiểm tra, đánh giá

–        Chỉ đạo các đơn vị Phòng, Khoa chuyên môn tăng cường đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ. Phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức kiểm tra vấn đáp, tự luận và trắc nghiệm khách quan, trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đối với chương trình của từng hệ đào tạo. Tiếp tục đổi mới ra đề thi kiểm tra giữa kỳ, đề thi kết thúc môn học theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học, phù hợp với nội dung chương trình, thời gian qui định, hạn chế lối học tủ, ghi nhớ máy móc…;

–        Tổ chức tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giảng viên biên soạn, biên tập đề thi từng bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi;

–        Giảng viên chấm điểm kiểm tra quá trình, điểm chuyên cần, điểm thi theo quy định. Các bài kiểm tra học trình phải được thực hiện đúng tiến độ thời gian, sau khi chấm bài, sinh viên phải được nhận lại bài kiểm tra để biết kết quả do giảng viên đánh giá;

–        Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi dưới các hình thức: tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm, thực hành;

–        Tổ chức thi theo đúng quy chế, thực hiện nghiêm túc quy trình thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, thực hiện công tác đề thi, coi thi, chấm thi đúng thời gian quy định;

  • Công tác tổ chức thi: Lên lịch thi và bố trí phòng thi trước thời gian thi ít nhất là 02 tuần. Thời gian tổ chức thi kết thúc học phần từ 01 – 02 tuần;
  • Công tác coi thi: các khoa phân công cán bộ coi thi (02 CBCT/1 phòng thi), lập danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi. Đối với khoa, bộ môn không đủ cán bộ coi thi, cần phối hợp với các đơn vị khác trong trường để phân công cán bộ coi thi cho hợp lý;
  • Công tác chấm thi: Làm phách, ghép phách bài thi tại các khoa. Bảng điểm thi kết thúc học phần được lưu tại bộ môn, khoa và gửi về phòng Đào tạo chậm nhất sau khi thi 2 tuần. Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm tổng hợp điểm, quản lý, lưu giữ điểm học phần, điểm tổng kết toàn khoá học;
  • Tổ chức thi kết thúc học phần lần 2 đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp: Sớm nhất 15 ngày và chậm nhất 20 ngày sau khi thi lần 1, thời gian tổ chức thi là 01 tuần;
  • Tổ chức thi tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

–        Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi, đảm bảo khách quan, công bằng, trung thực trong việc đánh giá kết quả học tập của người học, tránh mọi biểu hiện tiêu cực trong thi cử;

–        Thực hiện thanh tra, kiểm tra các kỳ thi đối với tất cả các hệ đào tạo trong trường, thường xuyên giám sát việc thực hiện quy chế thi đối với giảng viên và HSSV.

5. Công tác tự bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên

–        Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường;

–        Có cơ chế, chính sách để thu hút cán bộ, giảng viên có trình độ cao về công tác tại Trường và có chế độ hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên đi học tập để nâng cao trình độ. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức về Tin học, Ngoại ngữ, khoa học công nghệ để phục vụ cho công tác giảng dạy.

6. Tổ chức việc lấy ý kiến phản hồi từ người học và cán bộ, giảng viên

–        Tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và công tác phục vụ, quản lý của cán bộ đối với HSSV;

–        Định kỳ tổ chức lấy ý kiến phản hồi của cán bộ, giảng viên về sự chỉ đạo, điều hành công việc của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị phòng, khoa, trung tâm;

–        Thực hiện theo quy trình tổ chức lấy ý kiến phản hồi, xử lý dữ liệu chính xác, đảm bảo khách quan, bảo mật, sử dụng kết quả để đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên, công tác quản lý, phục vụ của cán bộ, sự chỉ đạo, điều hành công việc của lãnh đạo Trường, lãnh đạo các đơn vị phòng, khoa, trung tâm trong Trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục: Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tổ chức các kỳ thi học phần, thi tốt nghiệp; tổ chức việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo trường, lãnh đạo các đơn vị; phối hợp với Phòng Thanh tra giáo dục thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên môn của toàn trường.

2. Phòng Đào tạo: Quản lý điểm và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, kế hoạch đào tạo tín chỉ, kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên môn các bộ môn.

3. Các khoa, bộ môn: Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo nhà trường về công tác quản lý giảng viên và sinh viên, tổ chức quá trình dạy và học, phân công chuyên môn trong năm học, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo. Triển khai kế hoạch đến từng giảng viên, giáo viên chủ nhiệm triển khai các nội dung có liên quan đối với HSSV đến từng HSSV trong lớp.

4. Các đơn vị khác: Phối hợp với các đơn vị phòng, khoa, bộ môn, trung tâm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ công tác chuyên môn trong Trường.

Nơi nhận:

– Vụ TCCB-Bộ TNMT (để b/c);

– Cục Khảo thí và KĐCLGD-Bộ GDĐT (để b/c);

– Các Phó Hiệu trưởng (để biết);

– Các Phòng, Khoa, Bộ môn và TT (thực hiện);

– Lưu VT, KT-BĐCLGD.

HIỆU TRƯỞNG

Đã ký

 

Nguyễn Đinh Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *